Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ bằng giun quế

Đăng bởi Anfood VN ngày

Chăn nuôi lợn giun quế có lẽ còn là cụm từ xa lạ với người dân. Tuy nhiên, từ 10 năm nay, công ty TNHH Minh Hằng đã triển khai thành công mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ bằng giun quế. Đây là lần đầu tiên ý tưởng nuôi giun quế được áp dụng trên một quy mô lớn. Mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.
 
Công ty TNHH Minh Hằng được thành lập năm 2013. Xuất phát từ ý tưởng cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, công ty đã đầu tư xây dựng trang trại. Trong khuôn viên rộng hơn 1,2ha, tổng số vốn hơn 5 tỷ đồng, trang trại nuôi lợn được đầu tư khá quy củ với việc xây dựng 3 chuồng chăn nuôi lợn, quy mô khoảng 2.000 con và 1 chuồng giun quế. Hiện nay, công ty nuôi khoảng 500 con lợn trắng và lợn rừng, lợn mán.

Khu chăn nuôi lợn được dựng riêng biệt, chuồng trại được cách ly riêng biệt. Để việc chăn nuôi lợn hữu cơ đạt hiệu quả, công ty có cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ chăm sóc đàn lợn, từ việc xây dựng khẩu phần ăn, lịch tiêm phòng đều được ghi chép cẩn thận.

Trang trại còn xây dựng quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ khép kín. Vấn đề nguồn giống cũng như quy trình chăn nuôi và phòng trị bệnh được công ty chủ động hoàn toàn. Trong quá trình nuôi, phân lợn và nước rửa chuồng cho xuống hầm bioga.  Sau khi làm lắng, hệ thống tự động sẽ lấy nước từ hầm biogas để tưới cây. Bã phân lợn dùng để nuôi giun quế. Giun quế lại được sử dụng làm nguồn thức ăn cho lợn. Phân giun dùng để bón cho rau và các loại cây ăn quả trong vườn. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi hữu cơ khép kín mà công ty đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường từ nguồn phân lợn.

Chăn nuôi hữu cơ là loại bỏ phần lớn việc sử dụng chất phụ gia trong thức ăn gia súc, thay vào đó là sử dụng thức ăn từ tự nhiên. Bên cạnh đó, với mục đích quay vòng các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất cung cấp chất dinh dưỡng cho vật nuôi và kiểm soát bệnh từ động vật. Mục đích hàng đầu của chăn nuôi hữu cơ là tạo ra sản phẩm sạch. 

Thành công lớn nhất khi áp dụng chăn nuôi hữu cơ chính là công ty đã chủ động được nguồn giống, thức ăn cho lợn, hạn chế được dịch bệnh. Thức ăn cho lợn là các loại hạt gồm: đỗ tương, ngô được rang và xay nghiền lẫn với cám, ủ với men vi sinh sau đó trộn với giun quế. Ngoài ra, để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho đàn lợn, công ty còn bổ sung thêm các loại rau xanh tự trồng trong vườn. Với cách chăn nuôi theo hướng VietGAP hữu cơ, sản lượng tuy tăng không nhiều nhưng chất lượng thịt lợn, theo đánh giá của người tiêu dùng thì ngon và thơm hơn hẳn. 

Vì là giống lợn đen và lợn hương rừng nên thời gian nuôi cũng lâu hơn các giống lợn khác. Bình quân nuôi từ 7 tháng trở lên, lợn sẽ có trọng lượng từ 48 - 55kg mới có thể xuất chuồng. Mỗi con lợn từ khi sinh ra đều có mã vạch riêng nên việc chăm sóc, theo dõi rất chính xác. Công ty đã đầu tư một quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có máy hút chân không. Nếu vận chuyển quãng đường xa thì thịt lợn sẽ được mang vào tủ lạnh để đông nhằm đảm bảo dinh dưỡng của thịt lợn không bị giảm đi.

Nhờ có sự đầu tư và cách làm khoa học nên từ khi công ty Minh Hằng chăn nuôi lợn mán, lợn rừng đã có kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2021, công ty đã xuất hơn 400 con lợn có trọng lượng từ 25 - 40 kg. Từ đầu năm 2022 đến nay, công ty có lợn thương phẩm với hơn 300 con, mỗi con bình quân từ 60 - 70kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Với mong muốn đưa sản phẩm sạch đến tay nhiều người tiêu dùng hơn, trong thời gian tới, công ty sẽ mở đại lý tại nhiều tỉnh thành miền bắc và đang hoàn tất các thủ tục để thương hiệu thịt lợn mán, lợn rừng có thể đến được các siêu thị lớn tại Hà Nội và một số thành phố lớn ở miền Bắc.


Cũ hơn Mới hơn


0 bình luận


Bình luận

Lưu ý: Các bình luận phải được duyệt trước khi được hiển thị.